Chiến tranh giữa Trung Hoa và Nhật Bản Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương

Tình hình lịch sử

Bản đồ khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 1939

Nguyên nhân của chiến tranh bắt nguồn từ cuối thế kỉ 19, khi xã hội Trung Quốc rơi vào một thời kỳ hỗn loạn và sự hiện đại hóa nhanh chóng của Nhật Bản. Trong suốt giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã thôn tính Triều Tiên và can thiệp vào kinh tế và chính trị của Trung Quốc, đặc biệt là tại Mãn Châu. Những can thiệp bằng quân sự xảy ra từ những năm 1920, vào thời điểm này Trung Hoa rơi vào tình trạng cát cứ địa phương với một chính phủ trung ương yếu kém.

Tình hình yếu kém của Trung Quốc là điều kiện thuận lợi cho Nhật Bản lợi dụng. Tuy nhiên, đến năm 1927, Tưởng Giới Thạch và quân đội Quốc dân Đảng nhanh chóng thu phục vùng Bắc Trung Quốc (1926-1927). Tưởng Giới Thạch đã đánh bại các thủ lĩnh địa phương ở Nam và Trung của Trung Hoa, đồng thời thu phục các thủ lĩnh tại khu vực Bắc Trung Quốc. Trong tình hình đó, Nhật tấn công vùng đông bắc Trung Quốc vào ngày 18 tháng 9 năm 1931 với lý do "bảo vệ đường sắt của Nhật Bản ở Nam Mãn đang bị người Trung Quốc uy hiếp".[22] Sau khi chiếm 3 tỉnh đông bắc Trung Quốc, Nhật Bản thành lập nhà nước Mãn Châu Quốc vào năm 1931 với người đứng đầu là vua Phổ Nghi để hợp pháp hóa việc chiếm đóng của quân Nhật ở khu vực này.[23] Mục tiêu của Đế quốc Nhật Bản tại Trung Hoa là duy trì nguồn cung cấp nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Họ đã thành lập các chính phủ bù nhìn tại Trung Hoa không chống lại lợi ích của người Nhật. Các hành động của Nhật Bản tại Mãn Châu bị các nước phương Tây lên án, nên để phản ứng lại, Nhật đã tuyên bố rút lui khỏi Hội Quốc Liên vào ngày 27 tháng 3 năm 1933.[24] Trong những năm 1930, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản hầu như không có xung đột đáng kể do Tưởng tập trung mọi nỗ lực vào việc tiêu diệt Đảng Cộng sản Trung Quốc mà ông cho rằng là mối hiểm họa còn lớn hơn cả người Nhật. Mặc dù Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản từng hợp tác với nhau, nhưng trong giai đoạn 1930-1934, cả hai lại xung đột nghiêm trọng. Người Nhật đã lợi dụng mâu thuẫn này để xâm lấn Trung Quốc, điển hình là cuộc đổ bộ vào Thượng Hải năm 1932.

Chủ nghĩa quân phiệt đẩy mạnh bành trướng xâm lược Trung Quốc vì tư bản Nhật phụ thuộc nặng nề vào thị trường Trung Quốc. Năm 1931, đầu tư của Nhật tại Trung Quốc chiếm 82% đầu tư của nước này tại hải ngoại, tập trung chủ yếu tại Thượng Hải và Mãn Châu.>[25] Trong suốt giai đoạn khủng hoảng, xuất khẩu của Nhật sang Châu ÂuHoa Kỳ gần như tụt giảm và Nhật Bản cần kiểm soát kinh tế và chính trị của Trung Quốc để sở hữu một thị trường ổn định. Trước khi tiến tới cuộc chiến tranh toàn diện vào năm 1937, Nhật đã sử dụng sức mạnh quân đội trong các cuộc xung đột địa phương để đe dọa Trung Quốc trừ khi chính phủ Trung Hoa đồng ý giảm thuế và đàn áp phong trào tẩy chay và chống đối Nhật.

Chiến tranh Trung - Nhật

Quân Nhật trong trận Canton năm 1938

Tháng 12 năm 1936, trong một sự kiện gọi là Sự biến Tây An, Tưởng Giới Thạch bị Trương Học Lương bắt giữ. Điều kiện để được trả tự do là Tưởng phải chấp nhận thành lập một liên minh với Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm chống lại Nhật Bản. Mặc dù đã hợp tác về quân sự trong việc chiến đấu chống Nhật, nhưng 2 bên không thực sự tin tưởng nhau: Tưởng Giới Thạch luôn muốn tiêu diệt Đảng Cộng sản, trong khi Mao Trạch Đông từ chối chấp nhận Quốc Dân Đảng và luôn duy trì mục tiêu giải phóng xã hội. Đây được gọi là Hợp tác Quốc-Cộng lần thứ hai. Đến năm 1936, Hồng quân Trung Quốc có khoảng 500.000 quân độc lập với Quốc Dân Đảng.[26]

Sáu tuần sau khi thủ tướng Nhật Bản Fumimaro Konoe thành lập nội các, vào ngày 7 tháng 7 năm 1937, xảy ra Sự kiện Lư Câu Kiều tại ngoại ô Bắc Kinh. Được sử ủng hộ của Hải quân Đế quốc Nhật BảnBộ ngoại giao, Konoe tuyên bố sẽ không để chiến tranh lan rộng nhưng Lục quân Nhật Bản lại không chịu, liên tục gửi viện binh và cuộc xung đột này nhanh chóng lan rộng thành cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nhật Bản và Trung Quốc.[27]

Kế hoạch của quân đội Nhật Bản là chớp nhoáng mở rộng chiến trường, nhanh chóng buộc Trung Quốc phải đầu hàng vô điều kiện. Lúc đầu, quân Nhật ồ ạt tiến từ Hoa Bắc xuống Hoa Trung, chiếm được nhiều thành phố: từ Bắc Kinh, xuống Thiên Tân, Thượng Hải, Nam Kinh.[27] Sau khi bị mất Nam Kinh, chính phủ Tưởng Giới Thạch phải dời thủ đô lên Hán Khẩu ở trung lưu sông Dương Tử, rồi sau khi mất Hán Khẩu lại phải dời tiếp lên Trùng Khánh ở thượng lưu. Đến cuối năm 1938, Quảng Đông cùng những thành phố đông dân khác của Trung Quốc đều rơi vào tay Nhật.[28]

Năm 1939, Nhật cố gắng mở rộng Mãn Châu bằng cách cho đạo quân Quan Đông xâm lược biên giới Viễn Đông của Liên Xô. Người Nhật gần như bị đánh bại bởi liên quân Liên XôMông Cổ do tướng Georgi Zhukov chỉ huy. Điều này chấm dứt ý tưởng "Bắc tiến" của Nhật, và Nhật đã giữ hòa bình với Liên Xô tới năm 1945.

Tháng 9 năm 1940, Nhật cố gắng cắt đứt quan hệ của người Trung Quốc với các quốc gia khác bằng cách xâm lược Liên bang Đông Dương của Pháp. Ngày 27 tháng 9, Nhật Bản ký hiệp ước liên minh với Đức Quốc xãÝ.

Đến năm 1941, cuộc xung đột trở nên bế tắc. Mặc dù Nhật cố gắng chiếm nhiều vùng phía bắc và trung của Trung Hoa, Tưởng Giới Thạch đã lùi sâu vào lục địa và thiết lập thủ đô tại Trùng Khánh trong khi những người cộng sản duy trì sự kiểm soát tại Thiểm Tây. Ngoài ra, sự kiểm soát của Nhật Bản đối với vùng Bắc và Trung của Trung Quốc rất không chặt chẽ, họ chỉ có thể kiểm soát các tuyến đường sắt và các thành phố chính của Trung Quốc còn các vùng đồng quê gần như là không thể kiểm soát được. Người Nhật nhận thấy các hành động rút lui và tổ chức lại được tiến hành tại khu vực miền núi đông bắc Trung Hoa, trong khi chủ nghĩa cộng sản khuyến khích các hình thức chiến tranh du kích và các hoạt động phá hoại tại khu phía đông và Trung của Trung Hoa đằng sau vùng kiểm soát của Nhật.

Người Nhật đã dựng nên một số chính phủ bù nhìn, một trong số đó là chính phủ của Uông Tinh Vệ ở Nam Kinh. Nhật Bản còn tuyên bố thiết lập "Trật tự mới ở Đông Á" vào tháng 11 năm 1937, là liên hợp chính trị, kinh tế và văn hóa giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Mãn Châu quốc. Tuy nhiên, chính sách tàn ác mà Nhật áp dụng với người Trung Hoa, khiến cho các chính phủ này không được sự ủng hộ của người dân. Đồng thời, một sai lầm nữa là Nhật không muốn đàm phán với Tưởng Giới Thạch, mặc dù việc này sẽ gây chia rẽ mặt trận kháng chiến của Trung Hoa.

Căng thẳng giữa Nhật Bản và phương Tây

Thủ tướng Nhật Bản Hideki Tōjō

Trong chiến lược của quân đội Nhật Bản có sự mâu thuẫn về quan điểm giữa Lục quân và Hải quân: trong khi phái Lục quân chủ trương "Bắc tiến" (Hokushin) nhằm tấn công Liên Xô thì ngược lại phái Hải quân chủ trương "Nam tiến" (Nanshin) với mục tiêu là vùng Đông Nam Á giàu tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, cao su, quặng sắt, lúa gạo,...) đang là những thuộc địa của Anh, Pháp, Hoa KỳHà Lan.

Tháng 11 năm 1936, Nhật Bản đã ký với Đức "Hiệp ước chống Quốc tế cộng sản" (tức Liên Xô). Với hiệp ước này, Nhật Bản muốn khống chế ảnh hưởng của Liên Xô ở Viễn Đông đồng thời ngăn chặn khả năng chính phủ Tưởng Giới Thạch nhờ Liên Xô giúp đỡ để chống Nhật.[29] Tuy nhiên, trên thực tế, khi hiệp ước này được ký kết, không những Liên Xô mà cả các cường quốc phương Tây khác như Anh hay Hoa Kỳ bắt đầu có lập trường cứng rắn hơn đối với Nhật.[29] Ngày 6 tháng 11, đến lượt Ý cũng gia nhập vào hiệp ước này.

Từ tháng 9 năm 1939 đến tháng 6 năm 1940, tại Châu Âu, Đức Quốc xã liên tục giành chiến thắng, lần lượt chiếm được Ba Lan, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Pháp. Trước sự kiện Pháp đầu hàng Đức, tháng 9 năm 1940, Nhật bắt đầu cho tiến quân vào miền Bắc Đông Dương. Ngoài ra, ngày 1 tháng 3 năm 1941, họ cho quân đổ bộ lên đảo Java của Indonesia. Ngày 27 tháng 9, Đức-Ý-Nhật đã cùng nhau ký kết "Hiệp ước Tam cường" công nhận địa vị lãnh đạo của Nhật ở Châu Á và cũng để bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một trong ba nước bị tấn công.

Giữa năm 1939, sau khi dựng nên nhà nước bù nhìn Mãn Châu quốc cộng thêm việc Liên Xô đang bận đối phó với tình hình chiến tranh ở châu Âu, quân đội Nhật xâm chiếm vào lãnh thổ Mông Cổ. Trước đó quân đội Nhật từng tấn công vào lãnh Liên Xô tại khu vực hồ Khasan vào tháng 7-1938. Nhưng Hồng quân Liên Xô đã tham chiến, đánh bại quân Nhật tại Chiến tranh biên giới Xô-Nhật. Kế hoạch "Bắc tiến" của Nhật gần như phá sản, họ quyết định chuyển hướng xâm chiếm xuống phía Nam, tức là chiếm lấy các thuộc địa của Anh, Pháp, Mỹ ở Đông Nam Á.

Nhật Bản bành trướng xâm lược ở châu Á đã làm cho mối quan hệ giữa họ với Anh và Hoa Kỳ ngày càng trở nên gay gắt. Tháng 9 năm 1940, đại sứ Hoa Kỳ ở Nhật đã nhấn mạnh: "Quyền lợi của Hoa Kỳ bị chính sách "Nam tiến" của Nhật đe dọa trầm trọng... chúng ta phải cố gắng bằng mọi cách duy trì nguyên trạng ở Thái Bình Dương, ít ra cho đến khi chiến tranh ở châu Âu ngã ngũ".[30] Tháng 7 năm 1940, Hoa Kỳ tuyên bố hủy bỏ điều ước thông thương Nhật-Mỹ, hạn chế xuất khẩu nhiên liệu, xăng máy bay và sắt phế thải cho Nhật. Đến tháng 10, Hoa Kỳ lại tuyên bố cấm toàn diện về sắt phế thải đối với Nhật.[31] Từ tháng 3 năm 1941, tại Washington D.C, đại sứ Nhật Kichisaburō Nomura đã đàm phán với ngoại trưởng Hoa Kỳ Cordell Hull nhưng vì lập trường hai bên quá khác biệt nên cuộc đàm phán đi vào bế tắc.

Sau khi ký hiệp ước đồng minh với Ý-Nhật, tháng 3 năm 1941, Bộ trưởng ngoại giao Yōsuke Matsuoka đã ký "Hiệp ước trung lập Nhật-Xô" với Liên Xô ở Moskva. Trong khi đó, về vấn đề Đông Dương, Nhật tiếp tục ép Pháp nhượng bộ, ký kết các hiệp ước có lợi cho Nhật. Tất cả các động thái trên đều nhằm phục vụ cho chủ trương "Nam tiến". Tuy nhiên, ngày 22 tháng 6 năm 1941, Đức Quốc xã bất ngờ tấn công Liên Xô mà không thông báo cho Nhật biết trước.[32] Không những thế, Đức còn đề nghị Nhật tấn công Liên Xô từ phía đông. Trước tình hình đó, Nhật không biết nên tôn trọng Hiệp ước Tam cường với Đức hay Hiệp ước trung lập Nhật-Xô. Ngày 2 tháng 7, trong "Hội nghị ngự tiền" (Gozen kaigi) có sự hiện diện của Thiên Hoàng, sau một cuộc thảo luận dữ dội giữa các cấp lãnh đạo quân đội Nhật, chủ trương "Nam tiến" đã được tiếp tục thực hiện, theo đó người Nhật sẽ bỏ qua yêu cầu của Đức, tôn trọng Hiệp ước trung lập Nhật-Xô và tiến quân xuống miền Nam Đông Dương.[32] Mặt khác, hội nghị cũng đặt vấn đề tiếp tục bí mật chuẩn bị cho cuộc tấn công lên phía bắc chống Liên Xô, nếu Liên Xô bị Đức đánh bại. Biên bản của hội nghị ghi rõ: "Nếu cuộc chiến tranh Xô-Đức phát triển theo hướng thuận lợi cho đế quốc thì Nhật sẽ dùng lực lượng vũ trang để giải quyết vấn đề phương Bắc".[33]

Cuối tháng 7 năm 1941, ngay sau khi quân đội Nhật tiến xuống miền Nam Đông Dương và chiếm đóng những căn cứ quân sự tại đây, Hoa Kỳ đã ngay lập tức có sự phản ứng. Ngày 26 tháng 7, Hoa Kỳ tuyên bố phong tỏa tài sản của Nhật tại nước này, cấm xuất khẩu dầu mỏ sang Nhật.[34] Tiếp theo đó, Anh hủy bỏ hiệp định thông thương giữa Nhật với Ấn ĐộMiến Điện, Hà Lan cấm xuất khẩu dầu hỏa và bauxite sang Nhật.[35] Quyết định đình chỉ xuất khẩu dầu hỏa sang Nhật của Hoa Kỳ đã có ảnh hưởng quyết định đối với bộ máy chiến tranh Nhật Bản. Theo tính toán của Bộ tư lệnh Hải quân, lượng dầu mỏ dự trữ của Nhật chỉ dùng đủ trong hai năm và nếu không có cách giải quyết vấn đề này thì hải quân Nhật chẳng sớm hay muộn sẽ bị tê liệt. Do đó, từ khuynh hướng ôn hòa, hải quân Nhật lại trở thành phe chủ chiến.[36]

Trong tình thế bị bao vây bởi thế bao vây ABCD - American (Hoa Kỳ), Britain (Anh), China (Trung Hoa), Dutch (Hà Lan) - Nhật muốn tiếp tục thương lượng với Hoa Kỳ bằng cách đề nghị một tạm ước là Hoa Kỳ và Nhật sẽ không sử dụng vũ lực ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương; hai bên sẽ cùng khai thác các dự trữ tự nhiên ở Indonesia; quan hệ kinh tế Mỹ-Nhật sẽ được khôi phục, trong đó Hoa Kỳ phải tiếp tục xuất khẩu dầu hỏa sang Nhật, hủy bỏ phong tỏa tài sản của Nhật và không can thiệp vào việc Trung Quốc. Phía Nhật còn bổ sung thêm rằng, sau khi ký hiệp ước hòa bình Trung-Nhật, quân đội Nhật sẽ rút khỏi Đông Dương.[37] Tổng thống Franklin D. Roosevelt tỏ ra có thiện cảm với đề nghị này nhưng ngoại trưởng Hull lại cực lực phản đối vì sợ các đồng minh của Hoa Kỳ sẽ hoang mang.[36] Hull nhất quyết giữ lập trường ban đầu của Hoa Kỳ, đòi Nhật rút khỏi phe Trục, ký hiệp ước bất tương xâm với Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Hà Lan đồng thời rút hết quân ra khỏi Đông Dương và toàn lãnh thổ Trung Quốc-kể cả Mãn Châu. Trước khi trao cho người Nhật công hàm nói trên, Hull đã thông báo cho chính phủ Anh: "Các cuộc đàm phán ngoại giao của chúng ta với Nhật Bản thực tế đã chấm dứt, và từ đây công việc sẽ được chuyển giao vào tay Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang".[38] Yêu sách này của Hull làm cho đàm phán Mỹ-Nhật đổ vỡ do lập trường hai bên quá khác biệt. Ngày 16 tháng 10, Konoye từ chức thủ tướng và bộ trưởng lục quân Hideki Tojo lên thay.

Mục tiêu của hải quân Nhật là chiếm đóng Indonesia, khu vực nhiều dầu hỏa nhất Đông Nam Á. Nhưng trước khi chiếm Indonesia, Nhật phải chiếm được SingaporePhilippines. Tuy nhận thức được về tiềm lực yếu kém của mình không thể chiến thắng Hoa Kỳ, nhưng người Nhật hi vọng rằng một cuộc chiến lâu dài và nhiều tổn thất sẽ làm suy yếu ý chí chiến đấu của dân Mỹ và sau đó giúp Nhật thỏa thuận một hòa ước.[39] Trong hội nghị ngự tiền ngày 1 tháng 12, Nhật quyết định chính thức tuyên chiến với Hoa Kỳ và ngày khai chiến được ấn định là ngày 8 tháng 12.[40] Trong khi đó, tại Washington D.C, cuộc đàm phán giữa ngoại trưởng Hoa Kỳ Cordell Hull với đại sứ Nhật Nomura vẫn tiếp tục kéo dài, khiến người Mỹ lơ là cảnh giác và không tin rằng Nhật Bản dám tấn công Hoa Kỳ lúc hai bên còn đang trong quá trình đàm phán.[41]

Ảnh hưởng của Ý và Đức

Cả Đức Quốc xã lẫn phát xít Ý đều có can dự vào chiến tranh Thái Bình Dương ở một quy mô nhất định. Hải quân Đức (Kriegsmarine) và Hải quân Hoàng gia Ý (Regia Marina) có các tàu ngầmtàu chở hàng được vũ trang tham gia hoạt động tại Ấn Độ DươngThái Bình Dương. Người Ý thậm chí còn có căn cứ hải quân tại vùng tô giới của mình ở Thiên Tân, Trung Quốc. Sau cuộc tấn công Trân Châu cảng của Nhật Bản và các quyết định tuyên chiến của Đức và Ý đối với Hoa Kỳ, hải quân cả hai nước này đều được toàn quyền sử dụng các cơ sở hải quân của Nhật Bản.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương http://ajrp.awm.gov.au/AJRP/AJRP2.nsf/437f72f8ac2c... http://wwii.ca/index.php?page=Page&action=showpage... http://www.china.org.cn/english/features/celebrati... http://www.avalanchepress.com/MexicanAirForce.php http://forum.axishistory.com/viewtopic.php?f=65&t=... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/137119/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/247568/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/310634/k... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/381684/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/456391/B...